Đau vai: Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

Vai là khớp linh hoạt nhất trong cơ thể người, và liên quan đến nhiều hoạt động hàng ngày, từ việc bạn chải tóc hay đến việc cầm một cốc nước. Vì vậy, thật dễ hiểu tại sao bạn muốn “tống khứ” cơn đau vai ngay lập tức. Đau vai có thể do thoái hóa khớp, rách cơ, viêm gân và một số nguyên nhân khác.

Rất nhiều cấu trúc giải phức tạp làm cho vai có khả năng hoạt động linh hoạt. Vai bao gồm ba xương – xương cánh tay (humerus), xương bả vai (scapular) và xương đòn (clavivle). Phần đầu trên của xương cánh tay (có hình dạng giống như quả bóng) khớp vào một hốc nông (ổ chảo) trên xương bả vai. Trong khi các dây chằng giữ cho “quả bóng” nằm trong hốc, thì các cơ chóp xoay (cũng bao phủ phần xương cánh tay) cho phép bạn nâng và xoay cánh tay. Nếu có vấn đề nào với bất kỳ phần nào của nhóm cấu trúc này có thể khiến bạn bị đau vai.

Hình minh hoạ các cấu trúc giải phẫu chính của vai (Nguồn: AAOS)
Hình minh hoạ các cấu trúc giải phẫu chính của vai (Nguồn: AAOS)

Nguyên nhân gây đau vai

Đau vai là một vấn đề cực kỳ phổ biến. Ở Việt Nam, tai nạn giao thông do xe gắn máy xảy ra nhiều nên bạn hay có nguy cơ bị các tình trạng do gãy xương. Tuy nhiên, do giải phẫu vai thì phức tạp, nên nó có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn. Các nguyên nhân nào ngoài gãy xương gây đau vai? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Đau bên ngoài vai

Nguyên nhân thường thấy nhất của cơn đau ngoài vai là do gặp vấn đề về các cơ chóp xoay.

Vấn đề về các cơ chóp xoay

Có 4 cơ chóp xoay quan trọng giúp di chuyển vai. Đây không phải là những cơ bắp lớn giúp nâng vật nặng, nhưng chúng rất quan trọng để di chuyển vai bình thường.

Có ba vấn đề chính của cơ chóp xoay: viêm gân, viêm bao hoạt dịch và rách chóp xoay. Viêm bao hoạt dịch và viên gân chóp xoay xảy ra khi túi hoạt dịch (một khoang chứa đầy chất lỏng) và gân (kết nối các cơ vai của bạn với xương cánh tay của bạn) bị viêm. Rách chóp xoay xảy ra khi các gân cơ chóp xoay tách rời khỏi xương.

Về mặt triệu chứng, vấn đề về các cơ chóp xoay thường gây đau đớn khi thực hiện các hoạt động như với, chạm hoặc ném. Ngoài ra, đau nhức sâu trong vai do gặp vấn đề về cơ chóp xoay có xu hướng trở nên tồi tệ hơn hoặc bùng phát vào ban đêm. Nó có thể làm cho bệnh nhân bị thức giấc hoặc khó ngủ.

Xét về vận động, biên độ vận động bị giới hạn là triệu chứng điển hình khi gặp vấn đề về các cơ chóp xoay. Khi cơ bị tổn thương hoặc bị viêm, bạn sẽ khó có thể làm công việc một cách bình thường, vai thường cảm thấy cứng. Tuy nhiên, nếu ai đó giúp bạn nhấc cánh tay lên, vai có thể vận động bình thường.

Đông cứng vai

Còn được gọi là “viêm dính bao khớp vai”, đông cứng vai là một tình trạng thường gặp, trong đó khớp bị cứng và đau dai dẳng hoặc không thoải mái khi đưa tay về phía sau lưng hay qua đầu. Bất kỳ cơn đau vai nào cuối cùng cũng dẫn tới đông cứng vai. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là viêm gân cơ chóp xoay.

Cuối cùng, bệnh nhân bị đông cứng vai sẽ giảm biên độ vận động thụ động (phạm vi vận động bác sĩ có thể làm khi vận động vai của bạn), cũng như giảm biên độ vận động chủ động (phạm vi vận động mà bạn có thể tự làm một mình).

Hội chứng chèn ép

Hội chứng chèn ép xảy ra khi mỏm cùng vai chèn lên mô mềm bên dưới lúc bạn dạng vai. Khi bạn dạng vai, mỏm cùng vai chà xát lên túi hoạt dịch và gân cơ chóp xoay bên dưới, có thể dẫn đến viêm túi hoạt dịch, viêm gân và rách gân cơ chóp xoay, gây ra đau và giới hạn vận động vai.

Viêm gân vôi hóa

Viêm gân vôi hóa được mô tả là một tình trạng mà các tinh thể canxi lắng đọng trong gân, phổ biến nhất là trong các gân cơ chóp xoay. Tình trạng này thường gây ra đau vai từ từ tăng lên, tồi tệ hơn vào ban đêm và khi chuyển động đưa tay qua đầu, như mặc áo sơ mi. Bạn có thể có đợt đau dữ dội khi canxi phóng thích ra mô xung quanh. Một số người sẽ phát triển đau vai thành mãn tính, nhiều người có các triệu chứng tự biến mất sau hơn 3–6 tháng.

Đau phần trước vai

Đau ở phía trước vai thường liên quan đến gân cơ nhị đầu, gắn sâu bên trong vai. Vấn đề của cơ nhị đầu bao gồm viêm gân, tổn thương SLAP và rách cơ nhị đầu.

Viêm gân cơ nhị đầu

Những người bị viêm gân nhị đầu thường bị đau dần dần ở phía trước vai, vùng rãnh cơ nhị đầu. Cơn đau thường tồi tệ hơn khi bạn nâng tay lên xuống, xách túi nặng hoặc các hoạt động đưa tay qua đầu. Các vấn đề với gân cơ nhị đầu cũng có thể gây ra tiếng click khi vai quay vòng cung. Giống như các vấn đề về cơ chóp xoay, cơn đau có thể tồi tệ hơn vào ban đêm.

Đứt gân nhị đầu

Tình trạng nghiêm trọng hơn, đau vai do đứt gân nhị đầu, nghĩa là cơ nhị đầu bị đứt gần khớp. Các triệu chứng của đứt gân nhị đầu bao gồm một tiếng “pop” đột ngột cùng với một cơn đau cấp tính trầm trọng, cũng như bầm tím, sưng và thường là sự hình thành của khối tụ ngay trên mặt trước khuỷu tay.

Tổn thương SLAP

Rách sụn viền phía trên từ trước ra sau, thường được gọi là tổn thương SLAP, là một dạng đặc biệt của rách sụn viền ổ chảo. Nguyên nhân phổ biến nhất là bạn chống tay khi té. Tổn thương này cũng là một chấn thương phổ biến trong các vận động viên phải ném cao qua đầu (ví dụ như người ném banh trong bóng chày) hoặc công nhân thực hiện các động tác tay qua đầu lặp đi lặp lại. Các triệu chứng có thể bao gồm một cơn đau vai sâu, cảm giác vướng khi vận động và vai tạo âm thanh khi chuyển động (tiếng răng rắc).

Thoái hóa khớp vai

Với thoái hóa khớp vai, bệnh nhân thường mô tả một cơn đau vai sâu hoặc một cơn đau ở phía trước của vai, cùng với cứng vai. Nói chung bệnh nhân bị giảm phạm vi chuyển động chủ động và thụ động. Thoái hóa khớp vai tương đối không phổ biến và thường do một chấn thương ở cánh tay, cổ hoặc vai xảy ra nhiều năm trước đó.

Đau ở phần trên vai

Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau ở phần trên vai là bất thường của khớp cùng đòn. Các vấn đề của khớp cùng đòn bao gồm viêm khớp cùng đòn, trật khớp cùng đòn và thoái hóa đầu ngoài xương đòn.

Viêm khớp cùng đòn

Viêm khớp vai ít gặp hơn viêm khớp gối và hông, nhưng khi tình trạng trở nặng, bạn có thể cần phẫu thuật thay khớp. Viêm khớp cùng đòn có thể gây ra gai xương và xương sụn trở nên sần sùi, làm giảm sự trơn láng. Xương tiếp xúc và bề mặt sụn không đồng đều có thể gây ra cảm giác kẹt rít, đặc biệt là khi đưa tay qua đầu hoặc chéo ngang ngực.

Trật khớp cùng đòn

Những người bị trật khớp cùng đòn thường do té ngã đập vai, gây ra tổn thương các dây chằng của khớp cùng đòn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương các dây chằng, đầu ngoài xương đòn có thể nhô lên do sự tách rời của nó khỏi mỏm cùng của xương bả vai.

Hoại tử hủy đầu ngoài xương đòn

Hoại tử hủy đầu ngoài xương đòn là một tình trạng không phổ biến gây đau nhức khớp vai ở đầu ngoài xương đòn. Tình trạng này thường gặp nhất ở những vận động viên cử tạ hoặc ở những người phải liên tục nhấc hoặc mang vật nặng.

Đau cả vai

Vai của bạn phụ thuộc vào độ chắc của gân, dây chằng và cơ bắp để giữ cho nó ổn định. Nếu các mô trở nên lỏng lẻo hoặc bị rách, bạn có thể bị mất vững khớp vai hoặc trật khớp.

Mất vững khớp vai

Mất vững khớp vai là do sự liên kết của khớp lỏng lẻo. Sự mất vững có thể từ một chấn thương (trật khớp) hoặc do sử dụng khớp vai quá mức. Những người cảm thấy mất vững có thể cảm thấy vai họ sẽ rời ra.

Một số người sẽ bị mất vững đa chiều có (tình trạng dây chằng lỏng lẻo dẫn đến vai mất vững mãn tính). Mất vững đa chiều thường gặp ở những vận động viên nữ trẻ. Họ sẽ cảm thấy vai không được giữ chặt vị trí (bán trật khớp vai). Tình trạng này thường được mô tả là một “cánh tay chết” và có chuyển động vai quá mức.

Trật khớp vai

Trật khớp vai là một chấn thương xảy ra khi đầu trên xương cánh tay rời khỏi ổ chảo xương bả vai. Nếu bạn đã bị trật khớp vai 1 lần thì dây chằng bình thường giữ vai đúng vị trí có thể bị tổn thương và vai có xu hướng bị trật lại.

Bạn nên gặp bác sĩ khi nào?

Nếu bạn không chắc chắn nguyên nhân gây ra đau vai hoặc nếu bạn không biết các khuyến nghị điều trị cụ thể cho tình trạng của mình, bạn nên đến gặp bác sĩ.

Một số dấu hiệu cho thấy bạn nên đi khám bác sĩ bao gồm:

  • Không có khả năng mang vác hoặc sử dụng cánh tay
  • Một chấn thương gây biến dạng khớp
  • Đau ở vai xảy ra vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi
  • Đau vai kéo dài sau vài ngày
  • Không có khả năng nâng cánh tay
  • Sưng hoặc bầm tím đáng kể xung quanh khớp hoặc cánh tay
  • Dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm sốt, nóng, đỏ da
  • Bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác đi kèm với đau vai như đau bụng hoặc khó thở

Chẩn đoán

Vì có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây đau ở vai, nên bác sĩ sẽ xem xét cẩn thận các triệu chứng, kiểm tra thể chất và đôi khi chẩn đoán hình ảnh để thực hiện chẩn đoán thích hợp cho bạn.

Thăm khám lâm sàng

Sau khi xem xét các triệu chứng và bệnh sử, bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng vai. Họ sẽ ấn vào những vùng khác nhau trên vai để tìm điểm đau nhói hoặc biến dạng. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sức mạnh cánh tay và biên độ vận động vai của bạn.

Các nghiệm pháp lâm sàng: bác sĩ có thể thực hiện các nghiệm pháp lâm sàng đặc biệt để tìm ra nguyên nhân gây đau vai và các vấn đế khác.

Để loại trừ các nguyên nhân không liên quan đến đau ở vai, bác sĩ cũng có thể kiểm tra các vùng khác trên cơ thể như cổ hoặc bụng.

Chẩn đoán hình ảnh

Ngoài việc khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh để xác nhận chẩn đoán.

  • X-quang: X-quang vai có thể phát hiện có hay không có bất kỳ chấn thương trong xương khớp vai, cũng như tìm kiếm manh mối như gai xương, điều đó có thể gợi ý chẩn đoán thoái hóa khớp.
  • MRI: MRI (chụp cộng hưởng từ) phần vai có thể cung cấp hình ảnh chi tiết về gân, dây chằng và các cơ xung quanh khớp vai. Ví dụ như MRI có thể cung cấp thông tin về vị trí, kích thước của rách gân cơ chóp xoay.
  • EMG (electromyogram): đo điện cơ để đánh giá chức năng của các dây thần kinh và có thể loại trừ nguyên nhân do bệnh lý rễ cổ.
  • Nội soi khớp: trong thủ thuật này, bác sĩ có thể quan sát khớp của bạn bằng camera để nhìn thấy tổn thương mô mềm mà không phát hiện ra khi khám lâm sàng, X-quang và các nghiệm pháp khác. Ngoài giúp tìm nguyên nhân gây ra đau vai, nội soi có thể điều trị luôn nguyên nhân gây đau.

Các chẩn đoán khác

Thông thường, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng đau vùng vai và đưa ra chẩn đoán bạn bị đau vai. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn đúng. Đau ở vùng vai chung chung khó xác định vị trí, có thể liên quan đến vấn đề không phải do cơ xương, như thoát vị đĩa đệm ở cổ hoặc bệnh túi mật. Đáng lo ngại hơn, đau vai có thể là một triệu chứng của một cơn đau tim hoặc chảy máu từ gan hoặc lá lách.

Nếu bác sĩ tin rằng cơn đau vai của bạn do nguyên nhân khác hoặc để đảm bảo rằng không bỏ lỡ chẩn đoán đe dọa tính mạng, họ có thể yêu cầu một số xét nghiệm khác nhau. Ví dụ như điện tâm đồ (ECG) cùng với các enzyme ở tim có thể được chỉ định nếu bác sĩ nghi ngờ một cơn đau tim, trong khi siêu âm bụng có thể được yêu cầu do họ nghi ngờ bệnh túi mật.

Việc tìm hiểu nguyên nhân gây đau vai thường phức tạp và không đơn giản như bạn nghĩ. Tốt nhất là bạn hãy đến đúng bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán cho bạn.

Điều trị chứng đau vai

Việc điều trị đau ở vai phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây đau. Mặc dù một phương pháp có thể hữu ích điều trị nguyên nhân này, nhưng nó có thể gây hại (hoặc không hoàn toàn hữu ích) khi điều trị nguyên nhân khác. Điều quan trọng nhất là bạn nên tìm tư vấn bác sĩ để biết mình đang điều trị vấn đề gì và cần làm gì trước khi bắt tay vào một quá trình điều trị.

Không phải tất cả các phương pháp điều trị được liệt kê ở đây đều phù hợp với mọi điều kiện nhưng có thể hữu ích trong hoàn cảnh của bạn.

Nghỉ ngơi

Việc điều trị đầu tiên cho các tình trạng đau vai phổ biến là nghỉ ngơi khớp và làm giảm viêm cấp tính. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn sử dụng khớp thận trọng khi nghỉ ngơi, vì cố định khớp kéo dài có thể gây ra đông cứng vai.

Chườm lạnh và chườm nóng

Túi đá thường được sử dụng để giảm sưng và đau do chấn thương vai cấp tính, nhưng chúng cũng có thể được sử dụng để điều trị chấn thương vai do hoạt động quá mức (ví dụ như viêm gân chóp xoay hoặc viêm bao hoạt dịch). Trong những trường hợp này, chườm đá được áp dụng ngay sau hoạt động tay liên tục trên đầu để làm giảm sự khởi phát của bất kỳ tình trạng viêm nào.

Miếng đệm nhiệt cũng được sử dụng để điều trị các tình trạng vai mãn tính, nhưng thường trước khi thực hiện những hoạt động đưa tay qua đầu. Nhiệt có thể làm giãn cơ, giảm cứng và giảm đau.

Trước khi chườm lạnh hoặc nóng, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu. Xây dựng một kế hoạch cụ thể về thời gian thực hiện mỗi lần điều trị và thời gian điều trị kéo dài bao lâu là điều quan trọng để tối ưu hóa việc chữa khỏi vai của bạn.

Hoạt động thể chất

Vật lý trị liệu là một khía cạnh quan trọng trong điều trị hầu hết các vấn đề trong chấn thương chỉnh hình. Các nhà trị liệu vật lý sử dụng các phương thức khác nhau để tăng cường sức mạnh, khôi phục vận động và giúp đưa bệnh nhân trở lại mức độ hoạt động trước chấn thương của họ.

Thuốc

Hai loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để giảm đau vai và sưng là thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) và tiêm steroid.

Thuốc kháng viêm không steroid NSAIDs

Một số thuốc NSAIDs có thể mua không kê toa (ví dụ như ibuprofen) và những loại khác phải được kê toa, như Voltaren (diclofenac). Các thuốc này thường được sử dụng để điều trị các vấn đề về vai như viêm khớp, viêm bao hoạt dịch và viêm gân.

Điều quan trọng là bạn chỉ sử dụng chúng trong một thời gian ngắn và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. NSAIDs có liên quan đến một số rủi ro, vì vậy bạn hãy chắc chắn thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc có bất kỳ vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, hen suyễn, tiền sử bệnh thận, bệnh gan hoặc viêm loét dạ dày.

Tiêm steroid

Khi tiêm steroid, bác sĩ sẽ tiêm cortisone – một loại thuốc steroid mạnh để điều trị viêm – vào vùng vai của bạn, nơi bạn đang bị đau. Thuốc tiêm không chỉ làm giảm đau, mà còn giúp bạn trị liệu vật lý dễ dàng hơn.

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, phẫu thuật sẽ cần thực hiện nếu các biện pháp trên không có tác dụng hoặc chấn thương vai quá nghiêm trọng ngay từ đầu. Nếu vai của bạn cần phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình sẽ tư vấn cho bạn.

Bạn cần nhớ rằng:

Quá trình bác sĩ khám để tìm ra “lý do” tại sao bạn bị đau vai có thể là một quá trình đầy thách thức, nhưng hãy cố gắng kiên nhẫn. Vai là một cấu trúc phức tạp và việc chẩn đoán đúng là chìa khóa sau cùng cho sự phục hồi của bạn.

Cuối cùng, nếu đang bị đau nhức vai, bạn có thể yên tâm rằng đa số mọi người hồi phục hoàn toàn, miễn là họ khám đúng bác sĩ chuyên khoa và tuân theo kế hoạch điều trị.

(ST)

Bài viết liên quan